Sở Khoa học và Công nghệ nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài khoa học và công nghệ

Hội đồng KH&CN chuyên ngành họp nghiệm thu đề tài
Copepoda là động vật phù du có hàm lượng dinh dưỡng khá cao có thể sử dụng làm thức ăn, cung cấp dinh dưỡng, nâng cao tỷ lệ sống, tăng sức đề kháng, tăng tốc độ tăng trưởng, đảm bảo tôm thương phẩm có chất lượng tốt.
Theo Lavens, P. and P. Sorgeloos,1996, Copepoda là mắt xích thức ăn quan trọng cho các loài thủy hải sản trong tự nhiên; Copepoda, chứa nhiều acid amin và các acid béo thiết yếu, hàm lượng protein tương đối cao, đồng thời hàm lượng enzyme tiêu hóa và vitamin cũng cao nên rất thích hợp cho nhu cầu dinh dưỡng của ấu trùng các loài động vật thủy sản. Với kích thước nhỏ, giá trị dinh dưỡng cao, copepoda đã được chứng minh là nguồn thức ăn ưa thích và phù hợp cho nhiều loài cá biển ở các giai đoạn khác nhau (Kraul, 1990).
Việc sử dụng sinh khối Copepoda để làm thức ăn cho tôm ở giai đoạn 20 ngày sau khi thả nuôi là một trong những giải pháp kỹ thuật trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh nhằm nâng cao tỷ lệ sống; tăng sức đề kháng, tốc độ tăng trưởng của tôm nuôi ở giai đoạn đầu thả nuôi.
Từ nguồn kinh phí của đơn vị chủ trì, từ tháng 5/2021, Công ty TNHH Thủy sản Ấn Việt đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi và thu hoạch sinh khối Copepoda tại Sóc Trăng làm thức ăn cho tôm” nhằm xây dựng thành công quy trình nuôi sinh khối giáp xác chân chèo, đạt năng suất cao để làm thức ăn cho tôm giai đoạn đầu (20 ngày đầu) trong quy trình nuôi tôm siêu thâm canh; xây dựng được quy trình thu hoạch và xử lý giáp xác chân chèo có độ an toàn cao, đảm bảo không có sự lây nhiễm mầm bệnh từ giáp xác chân chèo sang cho tôm.
Qua hơn một năm triển khai, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát chọn hộ và triển khai bố trí thí nghiệm nuôi sinh khối Copepoda tại ấp Huỳnh Thu, phường Kháng Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng với diện tích 1.500m2/ao với khối lượng giống thả ban đầu là 3kg/ao; các yếu tố thủy lý, thủy hóa của nước trong ao thí nghiệm được theo dõi, thu tập, xử lý. Thức ăn Copepoda là hỗn hợp gồm: bột cá; đầu, xác tôm chết, cá rô phi; men bánh mỳ; các loài acid hữu cơ được ủ lên men;...; được hòa vào nước tạt đều khắp ao, cho ăn liên tục trong 15 ngày sau khi thả nuôi, liều lượng là 5kg thức ăn/ngày/lần hoặc tạo Biofloc trực tiếp trong ao nuôi Copepoda bằng Cacbon (C) là mật rỉ đường, Nitơ (N) là chất thải của tôm thải trực tiếp từ ao nuôi tôm bằng cách xã chất thải từ ao nuôi tôm vào ao nuôi Copepoda định kỳ 3 ngày/lần và bón mật rĩ đường định kỳ 3 ngày/lần, tỉ lệ C:N là 15:1. Sau 15 ngày sau khi thả giống tiến hành thu hoạch bằng lưới chuyên dụng cho thu hoạch Copepoda vào thời điểm từ 7 giờ - 10 giờ (Lưới được đặt ngay sau cánh quạt, bật quạt nước được lùa vào lưới và Copepoda theo nước đi vào lưới, sau 3 giờ - 5 giờ tắt quạt, dồn lưới từ miện lưới đến đuôi lưới và Copepoda vào dụng cụ chứa); Copepoda được xử lý bằng Nanobuble và nhồi sinh học bằng Nano thảo dược trong thời gian 120 phút nhằm khử trùng trong và ngoài cơ thể Copepoda, đảm bảo an toàn khi cho tôm ăn, tránh lây nhiễm mầm bệnh từ Copepoda sang tôm nuôi. Bình quân sau 7 vụ nuôi/năm, sản lượng đạt 1.050 kg, năng suất đạt 0,02 kg/m3/ngày. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã tiến thử nghiệm sử dụng sinh khối Copepoda để làm thức ăn cho tôm ở giai đoạn 20 ngày sau khi thả nuôi đối với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất, với diện tích 3.000m2/02 ao (1.500m2/ao), mật độ tôm nuôi là 100 con/m2, sau 75 ngày nuôi, tỷ lệ sống của tôm nuôi đạt từ 80-90%, kích cỡ tôm thu hoạch đạt 30 con/kg. Qua đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được “Quy trình nuôi và thu hoạch, xử lý sinh khối Copepoda làm thức ăn cho tôm” để làm cơ sở cho việc ứng dụng kết quả của đề tài vào thực tiễn sản xuất; Bài báo “Quy trình nuôi sinh khối Copepoda làm thức ăn cho tôm giai đoạn đầu” đăng trên Tạp chí Thủy sản Việt Nam nhằm phổ biến kết quả nghiên cứu của đề tài.
Kết quả thực hiện đề tài góp phần cung cấp nguồn thức ăn tươi sống cho tôm nuôi ở giai đoạn 20 ngày sau khi thả nuôi, là cơ sở để ngành chuyên môn triển khai ứng dụng, nhân rộng vào sản xuất, góp phần phát triển ngành nuôi tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng.
Theo đánh giá của Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành, kết quả thực hiện đề tài đã đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Hội đồng đánh giá kết quả thực hiện đề tài đạt yêu cầu và đề nghị đơn vị chủ trì, Chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa, bổ sung, hoàn chỉnh Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện đề tài và các sản phẩm của đề tài theo ý kiến của các thành viên Hội đồng.
Tác giả: Lâm Văn Tùng